Du lịch Đà Nẵng: Kinh nghiệm đi chơi Đà Nẵng Tự Túc từ A – Z

Dẫn đầu Top tìm kiếm “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, Đà Nẵng luôn nằm trong “danh sách ưu tiên” khi nhắc về các địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ ở đất nước xinh đẹp này. Với trọn bộ bí kíp du lịch Đà Nẵng tự túc VivuVn chia sẻ dưới đây, hứa hẹn sẽ giúp bạn tha hồ khám phá thành phố xinh đẹp này và ghi dấu những trải nghiệm lý thú nhất.

Đi Đà Nẵng mùa nào đẹp?

Đà Nẵng là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu hai miền Nam – Bắc, với tính trội là khí hậu nhiệt đới ở phía Nam. Mỗi năm, thành phố có hai mùa rõ rệt: Mùa khô (tháng 1 đến tháng 7) và mùa mưa (tháng 8 đến tháng 12), thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không kéo dài và không rét đậm.

Cuối tháng 12 đến cuối tháng 3: Là thời điểm tiết trời mát mẻ, dễ chịu, rất lý tưởng để lên kế hoạch cho các chuyến du xuân. Giá cả dịch vụ khách sạn, ăn uống vào thời gian này được cho là bình ổn nhất trong năm. Du khách nên mang thêm áo khoác mỏng vì trời có thể se lạnh vào buổi tối và thi thoảng có mưa xuân.

Đầu tháng 4 đến giữa tháng 9: Đây là thời điểm đẹp nhất trong năm để du lịch Đà Nẵng, song cũng là mùa cao điểm du lịch hè, khá đông đúc và đắt đỏ. Tháng 4 cũng là mùa cây rừng thay lá vàng, lá đỏ trên bán đảo Sơn Trà, rất thích hợp cho những ai muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng bừng sắc mùa “thay áo”.

Giữa tháng 9 đến cuối tháng 12: Tiết trời không còn nắng nóng, bắt đầu lác đác mưa rào nhưng không kéo dài. Mùa cao điểm đã qua, nên vé máy bay, dịch vụ lưu trú, ăn uống có giá cả hợp lý hơn các mùa trong năm.

Đà Nẵng sương về đêm. Đà Nẵng sương về đêm @internet

Du lịch Đà Nẵng bằng phương tiện nào?

Máy bay

Du khách đi từ Hà Nội và TP.HCM thường di chuyển bằng máy bay, với giá vé dao động khoảng 1.300.000 – 3.000.000 VNĐ/khứ hồi, tùy vào từng thời điểm đặt mức giá có thể chênh lệch ít nhiều. Thời gian bay trung bình khoảng 1 giờ đồng hồ.

Tàu hỏa 

Nếu dư dả thời gian hơn, du khách có thể lựa chọn đi tàu hỏa để trải nghiệm ngắm cảnh xuyên suốt dọc đường, đặc biệt là đoạn qua đèo Hải Vân nếu xuất phát điểm của bạn từ phía Bắc vào. Vé tàu từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Đà Nẵng có giá dao động trong khoảng 600.000 đến 1.100.000 VNĐ/một chiều, tùy vào hạng ghế. Thời gian di chuyển khoảng 17 đến 18 giờ đồng hồ.

Cung đường sắt tuyệt đẹp ngang đèo Hải VânCung đường sắt tuyệt đẹp ngang đèo Hải Vân @internet

Ô tô tự lái

Nếu có kế hoạch tự lái ôtô, bạn nên dành ít nhất một tuần cho chuyến du lịch Đà Nẵng và cần có người luân phiên cầm lái. Từ Hà Nội, lý tưởng nhất là xuất phát từ trưa hoặc đầu giờ chiều, nghỉ một đêm ở Nghệ An. Nếu đi muộn hơn, bạn có thể ngủ tại Thanh Hóa, sáng hôm sau xuất phát vào Đà Nẵng. Chiều về, bạn có thể dừng ở Quảng Bình để vừa nghỉ ngơi, vừa khám phá thêm những điều thú vị khác.

Phương tiện di chuyển khi du lịch Đà Nẵng

Để quá trình tham quan và trải nghiệm thuận tiện, bạn có thể thuê phương tiện đi lại khi đến Đà Nẵng. Việc thuê xe khá thuận tiện, có sẵn dịch vụ giao nhận xe tại sân bay hoặc khách sạn với giá trung bình 100.000 VNĐ/ngày cho xe máy và khoảng 1.000.000 VNĐ/ngày cho xe ô tô.

Địa điểm lưu trú khi du lịch Đà Nẵng

Dọc con đường ven biển, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các khách sạn với nhiều mức giá khác nhau. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có rất nhiều hình thức lưu trú khác để trải nghiệm như: homestay, căn hộ, phòng tập thể nằm trong trung tâm. Tùy theo túi tiền và nhu cầu mà du khách có thể lựa chọn phù hợp, tuy nhiên, du khách nên đặt trước để tránh tình trạng cháy phòng vào cuối tuần hay mùa cao điểm.

Địa điểm lưu trú tại Đà Nẵng

Nếu đang có nhu cầu tiết kiệm chi phí, bạn có thể tham khảo các khách sạn 2-3 sao ở Đà Nẵng như Grand Sunrise 3 Hotel, White Sand Boutique Hotel, San San Hotel, Robin Hotel Danang… Chỉ cần từ 300.000 – 600.000 VND/ đêm là bạn đã tìm được một chốn nghỉ ngơi êm ái, đầy đủ tiện nghi.

Chơi đâu tại Đà Nẵng

Ngoại thành

Bán đảo Sơn Trà

Được ví như hòn ngọc quý của Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà sở hữu cánh rừng nguyên sinh rộng lớn và nhiều bãi tắm đẹp như Đá Đen, Tiên Sa, bãi Bụt… Con đường trên bán đảo uốn lượn qua các địa điểm có thể ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao như đỉnh Bàn Cờ, chùa Linh Ứng, nhà Vọng Cảnh, hải đăng Sơn Trà, trạm radar “mắt thần Đông Dương”.

Đến đây, du khách có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như: Lặn biển ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân, chiêm ngưỡng thành phố từ trực thăng… Đặc biệt, ngôi chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh đồi cũng là điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây tọa lạc bức tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam, hướng mặt ra biển. Trong lòng tượng gồm 17 tầng, mỗi tầng có bệ thờ 21 tượng Phật với hình dáng, tư thế và vẻ mặt khác nhau.

Trên bán đảo có các nhánh đường phụ xuống nhiều bãi biển đẹp như Bãi Bụt, Bãi Nam, Bãi Đá Đen, Bãi Đa, Mũi Nghê… Ngoài ra, ở khu vực này còn có cây đa Sơn Trà và cây đa “con nai” nghìn năm tuổi với hình thù độc đáo, rất thích hợp để lưu giữ hình ảnh kỉ niệm cùng cả gia đình.

Dù lượn trên bán đảo Sơn TràTrải nghiệm dù lượn trên bán đảo Sơn Trà @internet

Bà Nà Hills

Điểm du lịch này cách Đà Nẵng khoảng 40 km. Du khách sẽ có cơ hội tận hưởng bầu không khí se lạnh và thời tiết 4 mùa trong 1 ngày khi ghé thăm các điểm tham quan nổi bật như chùa Linh Ứng, Hầm rượu Debay, vườn hoa Le Jardin D’Amour, Cầu Vàng… Ngủ đêm trên làng Pháp cũng là một trải nghiệm thú vị cho khách đến với Bà Nà.

Bà Nà Hill

Đèo Hải Vân

Từ trung tâm Đà Nẵng tới Đèo Hải Vân mất khoảng một giờ chạy xe máy. Nơi này từng được Jeremy Clarkson – MC dẫn show truyền hình thực tế Top Gear (Anh) khi đặt chân tới đã phải thốt lên là “Một trong những cung đường ven biển đẹp nhất thế giới”. Để đến được đèo Hải Vân, du khách có thể lựa chọn đi hai cung đường: Hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân (không dành cho xe máy) và Đường đèo Hải Vân.

Hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân mở cửa hàng ngày, có thu phí. Thời gian đóng hầm là 3h đến 4h sáng mỗi ngày để vệ sinh, sửa chữa, bảo trì các hạng mục đường hầm. Nếu đi theo đường hầm, du khách sẽ không thể ngắm cảnh hay tham quan một số địa điểm nổi tiếng trên đèo Hải Vân.

Đường đèo Hải Vân mở cửa hàng ngày, miễn phí. Du khách có thể lựa chọn tuyến đường này nếu muốn trải nghiệm cảm giác chinh phục đèo, ngắm cảnh thỏa thích và đặc biệt lưu ý giảm tốc độ mỗi khi đèo bắt đầu phủ sương.

Ghềnh Bàng

Ghềnh Bàng là điểm đến yêu thích của giới “du lịch bụi” Đà Nẵng từ 3 năm trở lại đây. Nơi này nằm trên bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 15 km, theo hướng đường Hoàng Sa. Ghềnh Bàng cùng với mũi Súng, mũi Nghê, bãi cát Vàng, bãi đá Đen… đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên cuốn hút du khách đến khám phá.

Với đường với biển dài chừng 2 km, ghềnh Bàng có các bãi cát bằng phẳng, bãi đá lớn nhỏ nhô ra biển, những bãi san hô… Du khách đến ghềnh Bàng thường chuẩn bị củi lửa, thức ăn nhẹ, nước uống để cắm trại hoặc dã ngoại trong ngày.

Trong thành phố

Những cây cầu

Đà Nẵng vốn được mệnh danh là thành phố của những cây cầu ở Việt Nam. Cầu Rồng, cầu quay sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu tình yêu là những điểm tham quan hút khách đến vãn cảnh, check-in.

Đặc biệt, cầu Rồng đông khách hơn vào ba ngày cuối tuần khi có màn trình diễn rồng phun nước, phun lửa. Từ 9h tối, nhiều du khách và người dân đã tập trung ở trên cầu, hai bên bờ sông Hàn hoặc các nhà cao tầng gần đó. Du khách nên chọn vị trí phù hợp, hoặc mặc áo mưa, che ô để tránh bị ướt khi xem màn trình diễn phun nước.

Cầu Sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam. Cầu sông Hàn có chiều dài 487,7 m rộng 12,9 m với 11 nhịp trong đó có hai nhịp dây văng. Phần cầu nằm trên trụ giữa sông có thể quay 90 độ song song theo phương dòng chảy để tàu lớn qua lại. Công trình còn là biểu tượng của sự kết hợp, đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân, do người dân Đà Nẵng góp tiền xây dựng.

Cầu Thuận Phước là cầu dây võng lớn nhất Việt Nam. Cầu có chiều dài 1.856 m, chiều rộng 18 m, có hai mối ở hai đầu cầu và hai tháp trụ treo cáp cắm xuống lòng sông.

Cầu Trần Thị Lý mang tên nữ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ quê ở Quảng Nam. Cầu nằm về phía nam cầu Rồng, cách cầu Rồng khoảng 1,5 km. Trước đây có một cây cầu cũ cùng tên, song đã được thay thế bởi cây cầu mới như hiện nay.

Ăn gì khi du lịch Đà Nẵng?

Mì Quảng

Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch”, mà rất phong phú về hương vị như mì Quảng tôm thịt, mì Quảng cá lóc, mì Quảng chả cua… Mì Quảng là món ăn khô và một tô mì không bao giờ thiếu đậu phộng rang, bánh tráng mè nướng giòn.

Nếu bạn đến Đà Nẵng đúng ngày mùng một âm lịch, sẽ rất khó để tìm một tô mì thịt, thay vào đó là mì Quảng chay với nguyên liệu chính từ đậu phụ, nấm và các loại củ. Một tô mì Quảng nhỏ khoảng 15.000 đồng, tô lớn khoảng 20.000 – 30.000 đồng, ngoài ra với tô đặc biệt giá có thể lên đến 40.000 đồng.

Bánh tráng thịt heo

Một món ăn khá đơn giản, tuy nhiên yếu tố làm nên nét riêng biệt cho món ăn chính là công đoạn lựa chọn kỹ lưỡng các nguyên liệu. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, các loại rau ăn kèm phải đảm bảo tươi xanh như xà lách, húng quế, diếp cá, hoa chuối, dưa leo, chuối xanh, giá đỗ… Mắm nêm của bánh tráng cuốn thịt heo là loại nước chấm không thể thay thế. Bánh tráng thịt heo bán theo suất khoảng 50.000 – 200.000 VNĐ/suất.

Gỏi cá Nam Ô

Khi ăn, món gỏi khô dùng kèm với bánh tráng cuốn tròn chắc tay, bên trong là gỏi cá, các loại rau giá tươi ngon chấm với nước chấm hấp dẫn. Cá làm món này có thể từ cá mòi, cá cơm, cá tớp… tuy nhiên ngon nhất vẫn là cá trích.

Nét đặc trưng của gỏi cá Nam Ô chính là thứ nước chấm làm từ nước cốt cá đun sôi, hòa cùng nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt. Ngoài các loại rau ăn kèm thường thấy, gỏi cá Nam Ô còn có cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, tim lan… vốn chỉ mọc trên đèo Hải Vân.

Du khách có thể ăn cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau kèm nước chấm. Ngoài ra, gỏi cá ướt hấp dẫn với thịt cá tươi ngọt thấm vị trong nước dùng cay đậm đà, pha chế từ nước mắm Nam Ô trứ danh. Gỏi cá Nam Ô giá khoảng 80.000 VNĐ/suất, đủ cho 2 người ăn.

Bún mắm nêm

Đây là đặc sản bình dân rất dễ tìm ở Đà Nẵng. Một tô bún đầy đủ có thịt heo, tai heo, chả bò, nem, rau thơm, sợi đu đủ hay mít non bào mỏng, kèm một chén mắm nêm. Gia vị không thể thiếu của món Quảng là vị bùi của đậu phộng và hành khô. Thưởng thức bún mắm ở các gánh hàng, quán vỉa hè hay ở chợ sẽ cho cảm giác tròn vị nhất. Bạn có thể thử bún mắm nêm ở chợ Cồn hoặc chợ Hàn vào buổi chiều, giá từ 15.000 đến 30.000 VNĐ/tô.

Ốc hút

Ốc hút ở Đà Nẵng thường được chế biến theo nhiều vị: từ xào dừa, xào xả ớt cho đến luộc đều thơm phức nóng hổi. Món này ăn kèm với sợi đu đủ chua cay theo đúng khẩu vị miền Trung. Giá mỗi phần từ 15.000 đến 30.000 VNĐ/đĩa.

Một quyển bí kíp du lịch Đà Nẵng dày dặn dành cho những du khách đang nóng lòng khám phá thành phố biển xinh đẹp này, “chiếu mới” cũng có thể lên đồ du lịch từ A-Z nha. Còn chờ gì nữa mà không lên lịch cho chuyến chu du của mình ngay hôm nay bạn ơi! VivuVn chúc bạn sẽ có một chuyến khám phá vui vẻ và hoàn hảo nhất nhé! Gọi ngay 033 229 5555 để được tư vấn tour Đà Nẵng giá hấp dẫn có 1-0-2!